Các ngân hàng đua nhau huy động vốn: Lãi suất tăng kỷ lục

Thứ năm, 06/10/2022-13:10
Cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết mặc dù room tín dụng đã thu hẹp lại. Các ngân hàng không chỉ tăng lãi suất huy động mà còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút những nguồn vốn trong dài hạn.

Theo Tuoitre, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường dao động quanh mức 8 đến 9% một năm, gấp vài chục lần so với thời điểm cách đây 4 tháng.

Khoản tiền gửi 10 triệu đồng đã có lãi suất 8,4%/ năm 

Lãi suất tiền gửi đã tăng nhanh chóng chỉ trong 2 tuần kể từ thời điểm ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. 

Mới đây, Ngân hàng Bản Việt đã đưa ra thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất đạt tới 8,4% một năm cho kỳ hạn 18 tháng, lãi cuối kỳ chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng. Mức lãi suất khá cao cũng được áp dụng cho những kỳ hạn khác như kỳ hạn 6 tháng được lãi suất 7,5%/ năm, 12 tháng là 8%/ năm và 9 tháng là 7,8%/năm. Trong suốt thời gian gửi, lãi suất trên không thay đổi.


Lãi suất các ngân hàng tăng mạnh
Lãi suất các ngân hàng tăng mạnh

Tuy nhiên lãi suất này chưa phải là mức cao nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Một ngân hàng cổ phần nhỏ khác đã trả lãi thực tế lên đến 8,5% một năm mặc dù đã thông báo về mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trong kỳ hạn 85 tháng là 8,2%.

Nguồn tin cho biết cách đây một tháng, mức lãi suất huy động 7,8% hay 8%/ năm rất hiếm và thường chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ. Hiện nay các ngân hàng đang tìm đủ mọi cách để có thể thu hút nguồn tiền dù là những khoản tiền nhỏ như 10 triệu đồng.

Hàng loạt chương trình huy động vốn đã được đưa ra như “Toàn dân huy động” hay “tổng lực tiếp thị bán hàng”. 

Trong chương trình “toàn dân huy động”, một ngân hàng huy động tổng lực và điểm KPI cộng đến cuối năm theo doanh số huy động được cho nhân viên của các bộ phận. Nhân viên trả lãi suất cao hơn trong khi có ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn.

Từ việc lãi suất tăng, ngoài người vay tăng lên thì số người gửi tiền cũng tăng nhanh chóng. Theo chia sẻ của chị M.T.H. (Cầu Giấy, Hà Nội), chị đã được nhân viên của 3 ngân hàng gửi thông báo tăng lãi suất huy động trong tuần vừa qua.

Chị M.T.H. chia sẻ: “Tôi đang không biết chọn ngân hàng nào để gửi tiền bởi lẽ có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến 2 lần chỉ trong vài ngày. Điểm qua cũng đã có hơn 5 ngân hàng triển khai mức lãi suất 8 đến 8,5% một năm”.

Tình trạng đua nhau tăng lãi suất dẫn đến tình trạng có ngân hàng trong một tuần đã hai lần tăng lãi suất. Giám đốc một chi nhánh MB tại Hà Nội đã thừa  nhận rằng lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Nói về việc tăng lãi suất huy động, vị giám đốc chi nhánh MB cho biết: “Về cơ bản, các ngân hàng đều đang đẩy lãi suất đầu vào nhằm thu hút tiền gửi từ người dân. Bởi vậy, dường như không có ngân hàng nào đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất để đảm bảo hoạt động của ngân hàng cũng như phù hợp với tình hình biến động chung đang xảy ra trên thị trường”.

Các ngân hàng đua nhau huy động vốn: Lãi suất tăng kỷ lục - ảnh 2

Không chỉ có những sản phẩm tiết kiệm, một số ngân hàng trên thị trường cũng đã liên kết với đối tác để phát hành sản phẩm có liên quan với lãi suất rất cao. Chẳng hạn như ngân hàng số Cake by VPBank (sản phẩm kết hợp giữa VPBank và Be Group) đưa ra mức lãi suất tiền gửi 36 tháng lên tới 8,2% một năm đối với khoản tiền gửi đạt 300 triệu đồng trở lên.

Nảy sinh nhiều biến tướng

Cùng một lúc, thị trường liên ngân hàng ghi nhận lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, đây là nơi mà các ngân hàng vay mượn lẫn nhau. Cùng với đó là lãi suất huy động vốn dân cư và doanh nghiệp đều tăng lên mỗi ngày.

Ngày 4/7, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh ở các kỳ hạn. Có những giao dịch chào vay với lãi suất VND qua đêm lên tới 8-9%/ năm. Thậm chí, có nơi còn đưa ra con số cao hơn mức đó. Giao dịch của các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 7,5%/ năm.

Theo Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, do một khoản tiền gửi tiết kiệm lớn trong ngắn hạn đã bị rút ra khỏi ngân hàng để chuyển sang mua chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao tại một số ngân hàng khác nên ngân hàng này cũng không thể đứng ngoài cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi. Theo đó, các ngân hàng buộc phải tham gia nếu như không muốn mất đi nguồn vốn.

Nguồn tin từ Tuổi trẻ cho biết, đã xuất hiện những biến tướng trên thị trường vì tính cạnh tranh huy động vốn khốc liệt. Quy định có chỉ ra rằng chứng chỉ tiền gửi không cho phép rút tiền trước thời hạn mà chỉ có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố. Bởi có quy định này nên ngân hàng hiện có phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài từ 60 đến 80 tháng, tuy nhiên áp dụng cơ chế lãi bậc thang.

Như vậy, người gửi có thể rút vốn thông qua hình thức chuyển nhượng sau 6 tháng 1 ngày và mức lãi suất họ được hưởng là 6,7%/ năm. Lãi suất giảm trừ càng ít nếu thời hạn gửi càng dài.

Giám đốc một ngân hàng nói: “Các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn trong thời gian qua đối với tiền gửi trên 1 năm. Tuy nhiên, số người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài rất hiếm. Bởi lẽ phần tiền rút trước hạn chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn nếu người gửi gửi dài mà lại cần rút trước thời hạn. Trong khi đó, đối với việc mua chứng chỉ thì đã có thể rút sau đó vài tháng mà vẫn hưởng được mức lãi suất cao. Đó là lý do mà đa số các ngân hàng phải chuyển sang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn và áp dụng lãi bậc thang”.

Sức ép đối với lãi suất cho vay

Theo ông Đặng Ngọc Cảnh - giám đốc phân tích kinh tế và thị trường tài chính Techcombank, thời gian qua ghi nhận biến động rất lớn trên thị trường. Tính thanh khoản VND đã đảo chiều sau trạng thái dư thừa của năm 2020-2021.

Các kỳ hạn lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh từ mức chưa đến 1% một năm lên đến 6-7%/ năm. Năm nay, huy động của hệ thống ngân hàng ở mức thấp kỷ lục khi chỉ tăng 4% sau 9 tháng đầu năm, trong khi đó mức tăng của những năm khác là 8 đến 9%. Lãi suất đã phần nào chịu sức ép từ tính thanh khoản của thị trường.

Điều đó còn chưa kể việc Cục dự trữ liên bang Mỹ có động thái tăng lãi suất đồng đô la khiến lãi suất VND trở nên kém thu hút hơn. Ngoài ra, dòng ngoại tệ bằng tiền đô có xu hướng chảy vào Việt Nam ít hơn, và gây sức ép lên tỷ giá. Tính toán cho thấy, USD đã tăng giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay.

Các ngân hàng đua nhau huy động vốn: Lãi suất tăng kỷ lục - ảnh 3

Từ việc lãi suất huy động tăng lãi suất cho vay đã bị đẩy lên mặt bằng mới. Đa số các ngân hàng áp dụng lãi vay sẽ cao hơn mức lãi suất huy động 2,7 đến 3% một năm với cùng kỳ hạn cho dù đó là khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm. Một số ngân hàng thậm chí còn để mức chênh lệch tới 3,8 đến 4%/ năm.

VPBank thậm chí không cho vay với những khoản vay được cầm cố bằng sổ tiết kiệm online mặc dù lãi suất cao bởi hạn mức tín dụng thu hẹp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định về lãi suất cho vay rằng khó có thể giữ ổn định được khi lãi suất đầu vào tăng lên. Thế nhưng ông khẳng định rằng ngân hàng hiện tại nên xem xét mức độ phù hợp để chia sẻ với khách vay bởi ngân hàng đã lãi quá cao trong suốt 2 năm qua.

Theo nhận định của ông Hùng, trong bối cảnh kinh doanh có những rủi ro bất ổn cùng với lãi suất huy động tăng, phần lớn người dân sẽ chọn gửi tiền vào ngân hàng nếu có tiền rảnh rỗi. 

Ông Hùng cho hay: “Cần xem xét thận trọng đối với việc mua bất động sản. Giá bất động sản sẽ khó có thể tiếp tục tăng cao như những năm trước vì Ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực địa ốc”.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần thúc đẩy phát hành trái phiếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thay vì chờ đợi vốn tín dụng ngân hàng như bấy lâu nay. 

Các doanh nghiệp hoạt động công khai làm ăn tốt và minh bạch sẽ huy động vốn trái phiếu một cách suôn sẻ, dựa theo nghị định 65 về Phát hành trái phiếu riêng lẻ vừa được ban hành.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025