Thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đề nghị giám sát chặt chẽ

Thứ hai, 24/05/2022-14:05
Tại phiên họp Quốc hội vào ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Kiểm soát dịch bệnh, kinh tế khởi sắc 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội báo cáo Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Tại báo cáo, ông Thanh cho biết mặc dù năm 2021, kinh tế của đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. 


Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV. 
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV. 

Tuy nhiên, với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Trong quý IV/2021, GDP tăng 5,22%, cả năm 2021 đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.  

Theo đó, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thu ngân sách nhà nước tăng 16,8% so với dự toán, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép, xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD thay vì ước tính nhập siêu 2 tỷ USD; mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực. 

Những vấn đề “nóng” 

Tại phiên họp,  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Ông Thanh nêu rõ: “Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường”.

Trong báo cáo ông Thanh cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021 đạt hơn 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%. Đặc biệt, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường. 


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh. Đến hết tháng 3/2022, đã tăng 19% so với cuối năm 2021. Trong đó, lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản là 160.600 tỷ đồng (tăng 24,1%), chiếm tỷ trọng 49,2%.

“Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%, vì vậy, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị. 

Từ nay đến hết năm 2022 dự báo kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5 - 7%, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Chính phủ cần kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.


Thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đề nghị giám sát chặt chẽ.
Thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đề nghị giám sát chặt chẽ.

“Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư”, ông Vũ Hồng Thanh đề xuất.

Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý đánh giá những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước. Từ đó, đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua và hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022.

Tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho biết, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Một số vấn đề khác

Bên cạnh việc đề nghị giám sát chặt các vấn đề “nóng” như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản thì Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đề nghị lưu ý tới một số vấn đề. Một là lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi. Hai là tình trạng ùn ứ phương tiện trong xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc. Ba là việc công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin ngay giữa các cơ quan nhà nước. Bốn là việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật vì lợi ích chung.


Năm 2021, ghi nhận tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.
Năm 2021, ghi nhận tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.

Một số vấn đề về văn hóa, giáo dục, trẻ em, phòng chống tội phạm còn bất cập. Trong đó, nhìn nhận những nguyên nhân chính như do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, kỳ vọng quá lớn của cha, mẹ, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng,.. tác động tới sức khỏe tâm thần của học sinh. Vì vậy cần có những giải pháp để quan tâm thỏa đáng tới vấn đề này và giải pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao. Cụ thể, năm 2016 là khoảng 500 ngàn, nhưng đến năm 2021 con số này đã tăng gần 2 lần, hơn 960 ngàn người. Điều này đã tác động không tốt đến hệ thống an sinh xã hội, mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Do đó Ủy ban Kinh tế đề nghị triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; cần có giải pháp, phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Hải Phòng: Phân lô bán nền 500 nghìn m2, hơn 3.000 lô đất bung hàng

Tin mới cập nhật

Bí quyết kê giường ngủ đúng hướng tài lộc, tốt cho sức khỏe

7 phút trước

Cách các ngân hàng số thu hút khách hàng mà không cần mở chi nhánh

13 phút trước

Nâng hạng thị trường chứng khoán, hàng chục tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam

13 phút trước

70% nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm 2024

17 phút trước

“Mở kho” đấu thầu vàng để giữ vững kho ngoại tệ

14 giờ trước