Trở thành cực tăng trưởng trọng điểm của vùng
Ngày 17/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố với 30 đơn vị hành chính cấp phường/xã, tổng diện tích hơn 26.407 ha.
Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch TP Biên Hòa có mục tiêu chQuy uyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị thông công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Theo đó, phát triển TP Biên Hòa thành một trong những cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, tại đây sẽ tập trung phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Theo điều chỉnh quy hoạch tạo không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội của thành phố hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố Biên Hòa. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng - an ninh của vùng và quốc gia; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng.
TP Biên Hòa là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ và khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Thành phố có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thành phố này còn là đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ.
TP Biên Hòa còn là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh và cảng Đồng Nai. Biên Hòa sở hữu địa bàn trọng điểm trong chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng nói riêng và của cả nước nói chung.
Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2030, TP Biên Hòa sẽ có quy mô dân số từ 1,5 - 1,6 triệu người. Đất xây dựng đô thị là khoảng 20.000 - 21.000 ha, đất dân dụng khoảng 11.300-12.800 ha. Đến năm 2045, quy mô dân số đạt từ 1,9-2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 22.000 -23.000 ha (đất dân dụng khoảng 13.300-15.000 ha).

Quy hoạch nêu rõ các tiêu chí phát triển TP Biên Hòa như nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như: các khu công nghiệp Biên Hoà II, Loteco, Amata, Agtex Long Bình, khu du lịch Bửu Long… Tại thành phố sẽ hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hoá, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo, đầu mối logistics…
Hướng phát triển đô thị Biên Hòa cần tạo sự kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành (đang xây dựng); đề xuất kết nối sân bay Biên Hoà với các khu vực chức năng đô thị; Định hướng hệ thống cây xanh và không gian mở đô thị gắn với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái, cù lao Hiệp Hoà… Rà soát quỹ đất rừng trồng tại các phường Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước nhằm đề xuất khai thác phù hợp…
Áp lực dân số lên hạ tầng xã hội
Hiện nay, dân số tại TP Biên Hòa là khoảng 1,2 triệu người, là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước, tương đương với hai thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố khác (ngoại trừ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, theo cơ chế đặc thù của Quốc hội).

TP Biên Hòa là đô thị có sự phát triển sớm về công nghiệp của tỉnh Đồng Nai với hệ thống các khu công nghiệp lớn, với 31 khu công nghiệp đã và đang hoạt động. Cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành hệ thống cảng biển, như: cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Gò Dầu; cảng Phước An hiện đang được xây dựng… cũng như các tuyến quốc lộ lớn chạy qua quốc lộ 1 (chiều dài đi qua là 13 km), quốc lộ 1K (chiều dài đi qua là 14 km và quốc lộ 51 (chiều dài đi qua là 16 km)...
Những yếu tố trên đã giúp TP Biên Hòa trở thành thỏi nam châm hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lớn lao động nhập cư tới sinh sống và làm ăn. Tạo thêm nguồn lực cho thành phố này có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/ hằng năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%...
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về phát triển kinh tế, TP Biên Hòa hiện cũng đang phải chịu sức ép về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa. Bức bách nhất vẫn là những vấn nạn về ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước, thiếu quỹ đất nhà ở, trường học…