Gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội: Rào cản lớn vì lãi suất cao!

Thứ hai, 21/03/2023-09:03
Đánh giá chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội là tích cực, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, rào cản lớn nhất là lãi suất cho vay hiện nay đang rất cao, nên nếu thấp hơn 1,5-2% thì cũng không nhiều người có đủ khả năng để vay.

Rào cản vì lãi suất cao

Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân hiện nay rất lớn, nhất là tại các đô thị lớn, khu công nghiệp. Dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng kết quả rất thấp. Tình trạng lệch pha cung - cầu trên thị trường nhà ở ngày càng nghiêm trong khi phần lớn thuộc về phân khúc nhà ở trung - cao cấp và thiếu nhà ở phân khúc cho người thu nhập thấp.

Tại Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng hướng vào phân khúc nhà ở xã hội.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại (chủ lực là 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng tương đương 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, dù đánh giá đây là chính sách tốt, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc triển khai gói này sẽ gặp nhiều khó khăn khi lãi suất hiện đang ở mức cao, trong khi việc cho vay chỉ thấp hơn 1,5-2%.


Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng tương đương 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030
Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng tương đương 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, gói 120 nghìn tỉ không phải gói hỗ trợ của Chính phủ mà là gói thương mại do 4 ngân hàng lớn thu xếp vốn để cho vay ra với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thông thường.

“Đây là điều tốt, tuy nhiên gói này cũng có lẽ không có tác động gì nhiều bởi lãi suất cho vay rất cao, lên tới 15%, nên nếu thấp hơn 1,5-2% thì cũng không nhiều người có đủ khả năng để vay. Số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng, nhưng với lãi suất 13% trở lên, tiền phải trả cho ngân hàng rất nhiều”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, lãi suất của ngân hàng Việt Nam là lãi suất thả nổi chứ không phải có định như ở một số quốc gia khác, ví dụ Mỹ.

“Tôi ở Mỹ vay với lãi suất 4% chẳng hạn thì cố định luôn cho 30 năm, còn ở Việt Nam thì các ngân hàng điều chỉnh lãi suất, nên rủi ro cho người đi vay mua nhà trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay. Nếu người mua nhà gặp rủi ro về thu nhập trong quá trình vay thì họ rất dễ dẫn đến vỡ nợ”, ông Hiếu nói.

Do đó, chuyên gia này nhận định rằng, gói 120 nghìn tỉ có tác động nhưng có lẽ không tác động nhiều. Nhất là trong bối cảnh lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao vì FED vẫn đang tăng lãi suất và Việt Nam cũng cần kiềm chế lạm phát.


Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía nam
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía nam

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía nam cũng cho rằng, gói tín dụng này dù có lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với bình quân thị trường nhưng người mua nhà ở xã hội cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn để mua nhà.

“Hiện nay lãi suất trên thị trường vào khoảng 14 - 15% và khó có thể giảm sâu. Do đó, người vay mua nhà ở xã hội từ gói vay này vẫn phải chịu mức lãi suất khá cao, ít người có thể tiếp cận được”, ông Tuấn nói.

Nên có gói tương tự gói 30 nghìn tỉ nhưng quy mô 200 nghìn tỉ

Đánh giá gói hỗ trợ 120 nghìn tỉ là giải pháp ngắn Chính phủ và ngân hàng thực hiện nhanh để giúp đỡ thị trường, nhất là trong giai đoạn thị trường đang khát vốn hiện nay, tuy nhiên, để thị trường có thể hấp thụ thì cần đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề xuất, ngoài gói 120 tỉ đồng cần tính một chương trình cho vay đặc biệt để hỗ trợ nhà ở xã hội tương tự như gói 30 nghìn tỉ đồng cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, quy mô 30.000 tỉ là của 10 năm trước, còn hiện nay, với giá cả và thu nhập của người dân tăng cao thì quy mô gói này phải lên tới 200 nghìn tỉ.

“Gói này cũng phải giữ lãi suất như ngày xưa, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng với lãi suất chẳng hạn như 3%, các ngân hàng cho vay ra với lãi suất 5%, họ hưởng 2% chênh lệch. Tuy nhiên, lãi suất tái cấp vốn phải rất thấp và tiền đó phải của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, còn nếu dùng tiền của ngân hàng thương mại thì không bao giờ có lãi suất thấp”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần có cơ chế giám sát để dòng vốn chảy vào đúng chỗ, đúng đối tướng, vào doanh nghiệp có khả năng trả nợ có và tránh xảy ra tình trạng người đã có nhà hoặc thu nhập cao vẫn được hưởng gói hỗ trợ.


Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, nên đa dạng hóa sản phẩm nhà ở, bổ sung sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình, nhà ở xã hội.

“Điều này vừa để xây dựng uy tín thương hiệu, vừa tăng tính thanh khoản và hạn chế rủi ro trong khi thị trường đang biến động. Ngoài ra, điều nãy cũng giúp phát triển thị trường bất động sản minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững; đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp “yếu thế” trong xã hội là người có thu nhập trung bình thấp”, ông Châu nêu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cũng đánh giá việc tiếp cận gói tin dụng 120 nghìn sẽ rất khó khăn, chưa kể các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian, trong khi lợi nhuận cho chủ đầu tư ở mức thấp.

Do đó, ông Nguyễn Anh Quê chia sẻ rằng việc giảm lãi suất huy động sẽ là biện pháp rất tốt cho các doanh nghiệp bất động sản. Lý do là giảm lãi suất huy động sẽ giảm lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

10 phút trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

16 phút trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

24 phút trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

1 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

1 giờ trước