Giá trị thương hiệu của Việt Nam có mức tăng nhanh nhất thế giới

Chủ nhật, 03/10/2022-17:10
Theo báo cáo mới nhất của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022 bất chấp các ảnh hưởng của đại dịch, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD.

Kiểm soát đại dịch góp phần tăng giá trị thương hiệu 

Theo vietnamnet.vn, định giá thương hiệu của các quốc gia do công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance đánh giá dựa trên các dự báo kinh tế vĩ mô trong tương lai kết hợp với những triển vọng tích cực của sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy mức tăng trưởng của năm nay. 

Theo báo cáo về Bảng xếp hạng Giá trị thương hiệu Quốc gia năm 2022 của Brand Finance, sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc quốc gia này đang ngày càng được nhận định là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở châu Á để tới Việt Nam.

Nghiên cứu của Brand Finance không phải là định giá tổng hợp các thương hiệu của Việt Nam mà là định giá thương hiệu của chính quốc gia Việt Nam. Do đó, Việt Nam có điểm đặc biệt cao về xếp hạng nông nghiệp, mức độ tương tác trên mạng xã hội và phản ứng của quốc gia đối với Covid-19. Các yếu tố này đóng vai trò động lực thiết yếu giúp tăng giá trị thương hiệu của quốc gia. 


Giá trị thương hiệu của Việt Nam có mức tăng nhanh nhất thế giới.
Giá trị thương hiệu của Việt Nam có mức tăng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo này chỉ ra, xét về số hạng tuyệt đối Việt Nam đã chứng kiến mức tăng giá trị thương hiệu cao thứ 3 trong thời gian đại dịch, tăng từ 184 tỷ USD lên tới 431 tỷ USD vào năm 2022. Về mặt giá trị tương đối, đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng 74% so với năm 2019. 

Việt Nam đã đạt được đà tăng trưởng và được biết đến như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công cũng như đầu tư vào vốn con người, trong bối cảnh thương mại bị gián đoạn do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt, căng thẳng Mỹ - Trung. 

Xét về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị đạt mức rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%.

Giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam tăng 36% so với năm ngoái. Trong đó, 10 thương hiệu đứng đầu có giá trị 24,4 tỷ USD, chiếm 67% trong tổng số 50 thương hiệu hàng đầu. 

Viettel là thương hiệu có giá trị nhất, giá trị thương hiệu đạt 8,8 tỷ USD tăng 36%. Vị trí á quân là VNPT có giá trị thương hiệu là 2,9 tỷ USD, tăng 4%. Vinamilk có giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 18%.

Trong năm nay, một số thương hiệu mới tham gia bảng xếp hạng là Nam Long, có giá trị thương hiệu 164 triệu USD, xếp hạng 34; Vinacomin giá trị thương hiệu tăng lên 97% đạt 83 triệu USD, xếp hạng 43; Chinsu giá trị thương hiệu tăng lên 97%, đạt 68 triệu USD, xếp hạng 44; Masan Consumer giá trị thương hiệu tăng lên 84%, đạt 66 triệu USD, xếp hạng 45. 


Top 10 thương hiệu Việt giá trị lớn nhất năm 2022.
Top 10 thương hiệu Việt giá trị lớn nhất năm 2022.

Lĩnh vực truyền thông có nhiều thương hiệu giá trị nhất, tổng giá trị 13,2 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực ngân hàng có giá trị 8,5 tỷ USD đến từ 12 thương hiệu. Trong đó, Ngân hàng Techcombank có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng, tăng 5 bậc so với năm 2021, đây là lần đầu tiên ngân hàng này lọt vào Top 10. Ở vị trí thứ ba là lĩnh vực thực phẩm có giá trị 3,5 tỷ USD từ 7 thương hiệu. 

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, kết quả tích cực này đã khẳng định các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam, cùng với sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Lại Tiến Mạnh, Đại diện quốc gia của Brand Finance Việt Nam, cho biết, đại dịch khiến các thương hiệu Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội và ý thức đổi mới xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt.  

Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương Alex Haigh đánh giá, vượt qua khó khăn của đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và đang phát triển nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Để tiếp tục phát triển giá trị thương hiệu và xây dựng đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang tiếp thị và xây dựng thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp cần phải thay đổi, phản ứng nhanh và đa dạng hoá, tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn. Từ đó, họ sẽ định vị thương hiệu ngày càng tốt hơn.

Nhóm quốc gia có giá trị thương hiệu cao nhất

Theo báo cáo của Brand Finance, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu nổi bật trong bảng xếp hạng Brand Finance Nation Brands 2022, với giá trị thương hiệu tổng hợp của hai quốc gia này ngang bằng với 98 thương hiệu quốc gia còn lại trong top 100.

Giá trị thương hiệu của Hoa Kỳ đứng đầu bảng xếp hạng, giá trị thương hiệu tăng lên 7%, đạt 26,5 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng vị trí thứ hai, giá trị thương hiệu tăng 8%, lên 21,5 nghìn tỷ USD. Nhật Bản đang từ vị trí thứ 3 đã tụt xuống vị trí thứ 4. Vị trí thứ 3 đã thuộc về Đức. 

Báo cáo này cho thấy, hầu hết giá trị thương hiệu của các quốc gia trên toàn thế giới đã cơ bản trở lại cột mốc trước khi bùng phát đại dịch. 

Theo đó, tổng giá trị của 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới đạt 97,2 nghìn tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn một chút so với giá trị trước đại dịch là 98,0 nghìn tỷ USD vào năm 2019. 


Top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2022
Top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2022

Theo lý thuyết, tổng giá trị của 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới đã bắt kịp trở lại với tốc độ trước đại dịch, nhưng trên thực tế chỉ 50 thương hiệu quốc gia đã tăng giá trị trong giai đoạn này, còn 50 thương hiệu còn lại vẫn ở mức thấp hơn định giá từ trước đại dịch Covid-19. 

Anh là một trong những quốc gia có giá trị thương hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19 tốt nhất. Nguyên nhân là do có độ phủ vắc-xin lớn, các hoạt động kinh tế được nới lỏng nhanh chóng sau dịch. Giá trị thương hiệu của Anh tăng thêm 265 tỷ USD, đạt 4.100 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự báo giá trị thương hiệu quốc gia của Anh có thể suy giảm do những ảnh hưởng từ nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, đồng bảng Anh trượt giá,..

Serbia và Georgia là những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Brand Finance Nation Brands 2022. Cụ thể, Serbia có mức tăng 24%, đạt 59 tỷ USD; Georgia cũng có mức tăng 24%, đạt 18 tỷ USD. Nguyên nhân là do các quốc gia này đã thu hút được các doanh nghiệp Nga sau khi hạn chế bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. 

Các nước châu Phi cũng góp mặt trong số 20 thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất. Dẫn đầu là Nam Phi tăng 23%, đạt 216 tỷ USD; Tanzania có giá trị thương hiệu quốc gia tăng 23%, đạt 41 tỷ USD; Kenya tăng 19%, đạt 80 tỷ USD; Ghana tăng 16% đạt 57 tỷ USD. 

Bên cạnh, định giá thương hiệu quốc gia, Brand Finance còn chấm điểm sức mạnh thương hiệu các nước. Sức mạnh thương hiệu quốc gia là động lực quan trọng của giá trị thương hiệu.  

Trong năm 2022, Canada là quốc gia sở hữu sức mạnh thương hiệu lớn nhất thế giới với tổng điểm 81,8 trên 100, nhờ lợi thế kinh tế ổn định, tiêu chuẩn sống cao, chính sách Covid-19 linh hoạt và thế mạnh về đầu tư thương hiệu.

Theo báo cáo này, vào năm 2020, các thương hiệu quốc gia hàng đầu gồm Trung Quốc, Hòa Kỳ, Ý đã phải chịu đựng đáng kể từ làn sóng nhiễm Covid-19 đầu tiên, thì đến năm 2021, các quốc gia này đã triển khai thành công việc tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh. 

Nhờ đó, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh đã trở lại trong bảng xếp hạng 10 sức mạnh thương hiệu hàng đầu sau sự sụt giảm bất thường trong 1 năm qua. Tương tự, Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào top 20, giành vị trí thứ 15, Ý và Tây Ban Nha trở lại top 25.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp nhằm giảm nguy cơ nợ xấu

1 giờ trước

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng nhưng vẫn duy trì quanh vùng đáy

1 giờ trước

Cô gái lương 9 triệu đồng/tháng tiết lộ bí quyết mua được chung cư và gửi thêm 1 tỷ đồng cho bố mẹ xây nhà

1 giờ trước

Phong cách nhà 2 tầng đơn giản toát lên sự sang trọng

2 giờ trước

Thị trường đất nền phía Nam bắt đầu trở lại “đường đua”

2 giờ trước