Đầu tháng 10, gửi tiết kiệm ngân hàng nào để hưởng lãi suất gần 9%/năm? 

Thứ tư, 05/10/2022-14:10
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào cuối tháng 9/2022, mặt bằng lãi suất tiết kiệm không ngừng tăng, đã xuất hiện ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi gần 9%/năm. 

Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm 

Theo baodautu.vn, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngay sau khi Quyết định 1606 có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện nâng mức lãi suất tiết kiệm đưa mặt bằng lãi suất chung tăng cao.

Dẫn đầu trong bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm hiện nay thuộc về ngân hàng ABBank với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đạt điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. 

Tiếp theo là Ngân hàng số Cake by VPBank cũng tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi của khách hàng trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) tiết kiệm online đặc biệt kỳ hạn 12 tháng lên 8%/năm, mức lãi suất trước đó là 7,5%/năm. 


Nguồn ảnh: Ngân hàng số Cake.
Nguồn ảnh: Ngân hàng số Cake.

Trong ngày 3/10, Ngân hàng Bản Việt vừa có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng đã có thể tham gia sản phẩm với 2 hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng. Với hình thức nhận lãi cuối kỳ, kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất khách hàng được nhận là 7,5%, kỳ hạn 9 tháng mức lãi suất là 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất là 8%/năm, kỳ hạn 15 tháng mức lãi suất là 8,2%/năm. 

Đối với kỳ hạn 17 tháng, mức lãi suất tiền gửi khách hàng nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất này được cố định trong suốt thời gian gửi. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, bất cứ lúc nào và vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi.

Nhiều ngân hàng khác đã nâng lãi suất cao nhất lên xấp xỉ 8%/năm như Kienlongbank, VietABank,…Tại Kienlongbank, khách hàng gửi lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng theo hình thức trực tuyến sẽ hưởng mức lãi suất 7,9%/năm. Đối với kỳ hạn 15-18 tháng, lãi suất của nhà băng này cũng đã tăng lên 7,8%/năm.

Ngân hàng VietABank áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,9%/năm đối với khách hàng gửi kỳ hạn từ 15 tháng theo hình thức trực tuyến. Đối với kỳ hạn từ 12 - 13 tháng, ngân hàng này đang có mức lãi suất cao nhất thị trường lên tới 7,7 - 7,8%/năm. 
 
Khách hàng gửi tiền tiết kiệm qua hình thức trực tuyến trên Ngân hàng số Digimi của Ngân hàng Bản Việt sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất lên đến 7,5%/năm. 


Nguồn ảnh: Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Nguồn ảnh: Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Thời điểm cuối tháng 9/2022, ngân hàng SCB thực hiện nhiều lần tăng lãi suất tiền gửi. Vào ngày 28/9 nhà băng này tăng lãi suất thêm 0,15 - 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với gói tiết kiệm Phát Lộc Tài của SCB đang ở mức 7,2%/năm; tiết kiệm hình thức online có mức lãi suất cao hơn 7,25%/năm. Kỳ hạn gửi 9 tháng có lãi suất tương ứng 7,35% và 7,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lên 7,5% và 7,55%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng trên lên 7,75% ở kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi 24 tháng, lãi suất kỳ lĩnh lãi thứ 1 áp dụng cho khách hàng cá nhân tăng từ 7,75% lên 7,95%/năm.

Mới đây, ngân hàng Nam A Bank cũng thực hiện tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 1%/năm. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm theo hình thức trực tuyến sẽ được hưởng mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,7 - 4,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 12 mức lãi suất đạt 7,3%/năm. 


Nguồn ảnh: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).
Nguồn ảnh: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).

Cuộc đua tăng lãi suất huy động không chỉ có sự tham gia của các ngân hàng thương mại tư nhân, thời gian qua, các ngân hàng thương mại nhà nước (Big4) gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV. 

Từ đầu tháng 10/2022, Vietcombank đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn lên cao nhất thêm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng cũng tăng lên mức từ 4,1-4,4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 9 tháng lãi suất tăng lên mức 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất tiền gửi tăng từ 5,6%/năm lên 6,4%/năm. Với hình thức gửi trực tuyến, ngân hàng Vietcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất đạt 6,8%/năm dành cho kỳ hạn 12 và 24 tháng. Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, nhà băng này cũng đã nâng lãi suất một số kỳ hạn lên từ 0,1 đến 0,5%/năm. 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng, ngân hàng này tăng từ 1% lên mức 4,1%/ năm. Đối với lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.

Tại ngân hàng Agribank, với kỳ hạn 1-2 tháng được Ngân hàng niêm yết mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 4,4%/năm. Các mức lãi suất này vẫn thấp hơn trần quy định (5%/năm) song đã tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. Tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng lên mức 0,3%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Agribank cũng tăng mạnh lãi suất lên mức 6,4%/năm.


Nguồn ảnh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Nguồn ảnh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ngân hàng “tung chiêu” hút tiền gửi

Bên cạnh cuộc đua tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng còn áp dụng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi và tặng quà để thu hút dòng tiền gửi từ người dân. 

Tại ngân hàng BIDV, khách hàng gửi mới hoặc quay vòng tiền gửi tiết kiệm tại các chi nhánh BIDV kỳ hạn 1-12 tháng, trả lãi cuối kỳ, hàng tháng với số tiền từ 300 triệu đồng sẽ nhận quà tặng tiền mặt. Khách hàng gửi càng nhiều, số lượng quà tặng càng lớn. Chương trình ưu đãi đến hết 31/10. 


Ngân hàng BIDV tung nhiều chương trình hấp dẫn tiền gửi.
Ngân hàng BIDV tung nhiều chương trình hấp dẫn tiền gửi.

Tại ngân hàng số OCB OMNI, từ ngày 15/9 - 30/11, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng dụng sẽ được tham gia vòng quay may mắn trúng thưởng với hàng trăm phần quà hấp dẫn. 

Còn khoảng 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên đã có ngân hàng rục rịch triển khai chương trình xuân. Như tại ngân hàng VietBank, từ 3/10 - 30/12, triển khai chương trình khuyến mãi “Xuân như ý, Lộc tỷ đồng”dành cho các khách hàng cá nhân tham gia gửi tiết kiệm và mở tài khoản thanh toán. Khi gửi tiết kiệm tại quầy, gửi tiết kiệm online từ 25 triệu đồng trở lên và thỏa các điều kiện của chương trình, khách hàng sẽ được nhận những quà tặng tiện ích tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi.

Huy động vốn vẫn chậm 

Theo báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê mới công bố, tính đến 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021, tăng 4,95% so với cùng thời điểm năm 2021. 

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (tăng 4,28% so với cùng thời điểm năm 2021). Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (tăng 7,71% so với cùng thời điểm năm 2021), tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn cho thấy mặc dù các ngân hàng không ngừng nâng mặt bằng lãi suất huy động nhưng vẫn khó hút tiền nhàn rỗi từ trong dân.


Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động tuy nhiên vẫn khó hút dòng tiền nhàn rỗi từ trong dân.
Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động tuy nhiên vẫn khó hút dòng tiền nhàn rỗi từ trong dân.

Tín dụng tăng nhanh đã gây áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng. Báo cáo chiến lược quý IV/2022 của Công ty Chứng khoán ACBS nhận định, hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý III, kỳ vọng trong những tháng cuối cùng của năm sẽ nới thêm 2%. Việc Ngân hàng Nhà nước bán USD để cố gắng kiểm soát tỷ giá sẽ làm gia tăng áp lực thanh khoản của đồng VND. 

Do đó, ACBS dự báo các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng lãi suất huy động thêm 0,5% đến cuối năm 2022, trong cả năm tăng tổng cộng 1% để tăng cường nguồn vốn huy động. 

Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm không chỉ tăng kịch trần ở mức 5%/năm đối với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh trần lãi suất kỳ hạn ngắn mà đối với những kỳ hạn dài trên 1 năm mức lãi suất huy động cũng tăng mạnh. 

Các chuyên gia cho rằng, hàng loạt nhà băng tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài do muốn cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-NHNN. 

Trong bối cảnh, nhiều dự báo chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lãi cho vay khiến các ngân hàng khó tránh việc điều chỉnh lãi suất cho vay. TS  Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, một khi lãi suất huy động tăng thì khó tránh khỏi lãi vay đi lên, nhưng vấn đề hiện nay làm sao lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động mới là thành công. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật