sapo-1675450669.jpg
 

Năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm vừa qua đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, chỉ số CPI dưới mức 4%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những con số tăng trưởng này chưa lột tả hết bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập như: lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay tăng cao, sự xáo trộn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

a1-1675452159.jpg
 

Để có thêm góc nhìn đa chiều về diễn diễn nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 nói riêng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng,TS. Đào Xuân Sơn - Giám đốc công ty Luật Justiva Law.

sub-1-1675450669.jpg
 

Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, cao nhất trong 1 thập kỷ. Ông có nhận xét gì về con số tăng trưởng này?

Đầu tiên phải thấy rằng, con số tăng trưởng GDP 8,02% thể hiện nhiều điều tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, còn chịu tác động bởi chiến tranh Nga – Ukraine, Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng GDP ấn tượng như vậy thì quả là một điều rất đáng để chúc mừng. Việc tăng trưởng cao là điều đáng quý, đáng mừng nhưng không vì vậy mà chúng ta ngủ quên trên chiến thắng vì mọi sự so sánh đều là “khập khiễng”.

Chúng ta phải hiểu rằng, con số tăng trưởng GDP 8,02% của năm 2022 này là dựa trên nền so sánh với năm 2021, một nền so sánh khá thấp. Năm 2021 là một năm nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19 nên mức độ tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, rất thấp. Cho nên, nếu lấy con số này để so sánh với năm 2022 thì chưa thể hiện hết nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

stack-money-coin-with-trading-graph-1675452371.jpg
 

Tôi lấy ví dụ, quý 3/2022, chỉ số GDP của Việt Nam tăng lên 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái là quý 3/2021. Đây là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước phải tiến hành phong tỏa khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề biểu hiện qua GDP của quý 3/2021 bị âm khoảng 6,6%. Chính vì vậy, GDP Quý 3/2022 tăng khoảng 13,67% so với Quý 3/2021 đã giúp hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 sớm từ tháng 9/2022.

Mặc dù nền so sánh hơi thấp nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết của các tầng lớp trong xã hội, sự nỗ lực, vượt khó của các doanh nghiệp. Tổng hợp tất cả những điều đó đã giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng một cách ấn tượng trong năm 2022 và tạo nền tảng cho đà tăng trưởng của năm 2023.

Có vẻ như ông chưa thật sự ấn tượng với con số tăng trưởng GDP 8,02% của Việt Nam trong năm 2022. Vậy nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế của Việt Nam trong năm vừa qua, ông ấn tượng nhất với điều gì?

Mặc dù mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 là 8,02% đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng tôi không cho điều đó là ấn tượng,  Tôi bị ấn tượng bởi một con số khác ẩn đằng sau con số 8,02% này. Đó chính là lần đầu tiên tổng GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Nếu dùng con số này chia cho khoảng 90 mấy triệu người dân Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã chính thức vượt qua 4.000 USD/người. Đây mới chính là điều thể hiện nội lực và sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Con số 8,02% là nền tảng cho sự phát triển nhưng chưa thực sự lột tả được bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua. Cho nên về quan điểm cá nhân, tôi không ấn tượng với con số tăng trưởng GDP 8,02% mà chỉ ấn tượng với con số tổng GDP của nền kinh tế quốc dân trong năm vừa qua đạt 409 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt hơn 4.000USD/người.

box-1-1675452742.jpg
 
sub-2-1675450669.jpg
 

Cùng với tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng được kiểm soát dưới mức 4%. Đây cũng là một kết quả lạc quan của nền kinh tế trong năm vừa qua, tuy nhiên tại sao lạm phát đã ở mức ổn định nhưng lãi suất cho vay vẫn tăng cao, thưa ông?

Chúng ta phải hiểu như thế này, lãi suất là một công cụ mạnh để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, chống lạm phát rất hiệu quả và cũng là để bảo vệ đồng nội tệ trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế. Để đảm bảo cho một nền kinh tế ổn định về lạm phát thì lãi suất tiền gửi và cả lãi suất cho vay tại các ngân hàng phải tăng (vào các thời điểm thích hợp) để bù đắp lại sự trượt giá của đồng tiền.

Nếu xét trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với trên dưới 200 cuộc tấn công về việc tăng lãi suất và chống lạm phát ở các nước. Ví dụ như thời điểm khoảng tháng 9, 10/2022, chỉ số CPI của Việt Nam đã tăng lên khoảng 0,4-0,6% do chịu ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát ở một số nước trên thế giới. Cụ thể là sự rớt giá “không phanh” của đồng Yên Nhật khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải “cắn răng” đưa ra quyết định nâng lãi suất. Hay đồng bảng Anh trượt giá so với đồng đô la Mỹ khiến Chính phủ nước này phải cố gắng kiểm soát từ từ lãi suất.

a2-1675453235.jpg
 

Khi tình hình lạm phát ở các nước trên thế giới đang diễn biến căng thẳng, Việt Nam buộc phải tăng lãi suất để duy trì, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tránh làm mất giá đồng nội tệ với các đồng ngoại tệ.

Mặc dù việc tăng lãi suất sẽ làm giảm, hạn chế nhu cầu tiêu dùng, hạn chế đầu tư xã hội, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu v.v…, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó nhưng đây là một “liều vaccine” cần thiết cho sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam nói chung tại thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải tăng lãi suất.

Tuy nhiên việc tăng lãi suất sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không thể chịu nổi và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế. Theo ông, hiện tại có phải là lúc chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo cho vấn đề này?

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong công tác điều hành so với mặt bằng chung và xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Nếu đi ngược lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương. Việc duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài sẽ đưa đến các hệ lụy là đầu tư xã hội bị hạn chế, gia tăng đình trệ, suy thoái có khả năng xuất hiện dẫn đến tình trạng thất nghiệp và phá sản, gây áp lực lạm phát trong tương lai bởi gánh nặng nợ lãi huy động cho ngân hàng và ngân sách nhà nước.

Cho nên chắc chắn chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách điều hành linh hoạt để tránh ảnh hưởng cho nền kinh tế. Tôi nghĩ trong vấn đề này, để tránh bị tổn thương và hạn chế ảnh hưởng, các doanh nghiệp phải xem xét, tái cấu trúc lại tất cả các hoạt động của mình, làm sao để giảm thiểu số tiền vay xuống mức tối thiểu nhằm đảm bảo cho sự phát triển vững bền; các doanh nghiệp không thể dựa vào bầu sữa cung ứng vốn của ngân hàng đến 80% như hiện nay, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

a3-1675453500.jpg
 

Và đương nhiên những doanh nghiệp không chịu, không biết tái cấu trúc sẽ bị đào thải nếu cơ cấu vốn vay ngân hàng quá nhiều trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên xét trong bối cảnh Chính phủ phải chịu trách nhiệm với hàng triệu doanh nghiệp, với cả nền kinh tế thì việc tổn thương một vài doanh nghiệp là một điều bắt buộc vì trong một cuộc chiến muốn thành công phải có người hy sinh.

Để thích ứng và giảm thiểu tác động, hệ lụy của lãi suất cao thì Chính phủ cần tiếp tục duy trì điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường một cách linh hoạt và phù hợp với mục tiêu quản lý vĩ mô; Chính phủ cần gia tăng sự quản lý, làm trong sạch và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, vững bền; Chính phủ cần có các gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động và giảm thiểu chi phí tiếp cận vốn.

Có thể khó khăn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ bị khai tử. Trong những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây, có nhiều doanh nghiệp lớn sụp đổ nhưng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ biết nắm bắt cơ hội và vươn lên trong khó khăn để trở thành những tập đoàn lớn. Có một câu nó rất thích hợp cho vấn đề này “Thế giới thay đổi chúng ta đã sẵn sàng chưa”. Còn nếu thế giới thay đổi nhưng chúng ta chưa sẵn sàng thì đành phải chấp nhận. Các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy dùng vốn của mình như: cần chủ động rà soát các kế hoạch đầu tư, cân nhắc kỹ quy mô của dự án, lĩnh vực đầu tư, chi phí và tiến độ dùng vốn vay ngân hàng; đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, ưu tiên các dòng vốn huy động trực tiếp và vốn chi phí thấp.

Các doanh nghiệp hãy yên tâm là Chính phủ sẽ không để lãi suất tiếp tục tăng cao và duy trì trong một thời gian dài vì: nếu doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh (gọi là đầu vào) thì chắc chắn họ sẽ tự động chuyển hết phần lãi suất cao này vào giá bán "ở đầu ra". Như vậy sẽ làm tăng mặt bằng giá của xã hội, tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Bên cạnh đó, lãi suất cao trong thời gian dài còn có thể làm gia tăng lượng cung tiền từ nước ngoài, từ đó làm tăng áp lực lạm phát tiền tệ.

box-2-1675453616.jpg
 
sub-3-1675450669.jpg
 

Một vấn đề đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là sự xáo trộn trong thị trường tài chính. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất tốt nhưng tại sao lại có sự suy giảm niềm tin trên thị trường tài chính, cụ thể ở đây là thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp?

Về thị trường chứng khoán, chúng ta phải hiểu rằng, thị trường này đã tăng nóng liên tục trong 3 năm. Nhiều người nhầm lẫn sẽ cho rằng đó là sự phục hồi sau nhiều năm suy giảm, bắt đầu tăng trưởng và nếu so sánh với các thị trường khác thì thị trường chứng khoán của nước ta chẳng tăng bao nhiêu. Tuy nhiên, chính việc tăng nóng 3 năm liên tục đã làm xuất hiện một số bất cập, chúng ta hãy nhìn vào thực tế để thấy những vấn đề bất cập trên thị trường này.

Đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường non trẻ, đang phát triển nên rất dễ bị xáo trộn và biến động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là sự biến động theo các ngành nghề. Hiện nay, các công ty kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau đều tham gia vào thị trường chứng khoán để thu hút vốn đầu tư. Cho nên, khi các ngành nghề xảy ra biến động, thị trường này cũng sẽ “lung lay” theo.

Ví dụ, các công ty trong ngành bất động sản, chứng khoán, ngân hàng với tỷ trọng vốn hóa chiếm trên 40% tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Cho nên, khi thị trường bất động sản bị biến động mạnh đã làm ảnh hưởng đến các công ty bất động sản và các ngân hàng tài trợ vốn có liên quan.

a4-1675453835.jpg
 

Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý của các nhà đầu tư. Trước khi xảy ra biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện một hiện tượng “siêu kỳ quái” đó là sau khi nhà nhà người người đổ xô đi đầu tư bất động sản xong lại tiếp tục quay lại đầu tư vào cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán. Phần lớn những nhà đầu tư này đều chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc đầu tư. Cho nên khi thị trường xảy ra vấn đề, họ bắt đầu hoảng loạn, bán thốc bán tháo làm xuất hiện tình trạng “trắng bên mua”, mà càng không có người mua thì thị trường càng hoảng loạn từ đó gây ra hiệu ứng tâm lý đám đông, khiến nhiều người mất niềm tin vào thị trường.

Về phần trái phiếu doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Nếu thị trường trái phiếu được lành mạnh hóa thì sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, góp phần làm cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phục thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

23-1675453991.jpg
 

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022 đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Sau những vụ việc vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, Chính phủ đã vào cuộc để làm trong sạch thị trường trái phiếu. Từ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lộ ra các vấn đề như định giá ảo, sử dụng vốn sai mục đích, tài sản thế chấp không đảm bảo, nhiều doanh nghiệp lợi dụng, câu kết với các đơn vị tư vấn, đơn vị phát hành trái phiếu, đơn vị kiểm toán, gian dối phát hành trái phiếu, lách các quy định của pháp luật để huy động vốn phi pháp, sử dụng vốn không đúng mục đích phát hành, phát hành trái phiếu để xử lý các vấn đề tài chính khẩn cấp và đảm bảo thanh khoản cho công ty; phát hành trái phiếu để đảo nợ ngân hàng, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, chi hoa hồng để phục vụ huy động vốn, đem đi đầu tư các hoạt động kinh doanh khác.

Riêng về vấn đề tài sản đảm bảo, đa số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở Việt Nam đều dùng bất động sản để đảm bảo cho các lô trái phiếu; mặc dù có tài sản đảm bảo là bất động sản nhưng chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai nên thực chất không đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu (cổ phiếu thì lại lên xuống theo thị trường). Cho nên khi các dự án bất động sản được dùng làm tài sản bảo đảm này bị trì hoãn tiến độ, bị vướng pháp lý thì doanh nghiệp phát hành sẽ không đảm bảo được việc có tài sản sạch để bán thanh lý, để cấn trừ nợ cho các trái chủ.

Thêm vào đó, trước năm 2021, các doanh nghiệp ở Việt Nam phát hành trái phiếu rất nhiều. Đa phần các lô trái phiếu này đều huy động vốn trung và dài hạn (khoảng 2-3 năm). Tức đến thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, các doanh nghiệp phải xoay được tiền để trả nợ cho các trái chủ. Thế nhưng, 2 năm dịch Covid-19 hoành hành cộng với thị trường bất động sản gặp khó nên các doanh nghiệp không thể hoàn thành các dự án, không có sản phẩm bất động sản hoàn thiện để bán hàng từ đó xuất hiện nguy cơ không thể trả được gốc và lãi cho các trái chủ.

a5-1675454839.jpg
 

Việc các doanh nghiệp không thể hoàn thành các khoản vay nợ, rồi các vụ việc “lùm xùm” khác xảy ra trên thị trường trái phiếu đã làm cho các nhà đầu tư hoảng loạn. Khi thấy các lô trái phiếu mình mua không đúng như quảng cáo, họ bắt đầu mất niềm tin, không chấp nhận cho các chủ đầu tư giãn thời gian trả nợ. Điều này càng đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm này.

Tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu dao động, tạo ra hiệu ứng đám đông, làm nhiều người khác tin rằng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là trái phiếu 3 không (không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán). Đây cũng là lý do làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp lao đao.

Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu nhưng làm sao để kênh huy động vốn này quay trở lại giá trị thật ban đầu, thưa ông?

Để giải quyết những vấn đề bất cập trên thị trường trái phiếu, bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi đầu tiên.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc lại tài sản và chiến lược kinh doanh của mình. Trong đó, họ cần rà soát lại vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản đang là tài sản bảo đảm, đánh giá lại sức khỏe doanh nghiệp để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư và huy động vốn.

Thứ hai, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần lên kế hoạch để trả nợ đúng hạn cho các trái chủ, phải có phương án đề phòng rủi ro. Nếu không có tiền để trả nợ trái phiếu thì phải đàm phán với các trái chủ để họ tin tưởng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần phải đánh giá được tình hình kinh tế vĩ mô năm sau sẽ như thế nào, đánh giá tác động của chính sách pháp luật lên nền kinh tế ở tầm vĩ mô và trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Những vấn đề cần xem xét đó là sự thay đổi chiến lược quy hoạch, phát triển hạ tầng của Chính phủ, chính sách cho vay của các ngân hàng, cũng như sự thay đổi về chính sách thuế, phí.

Trong điều kiện cho phép, các doanh nghiệp nên cân nhắc việc thành lập các ban chuyên nghiên cứu các bộ luật, luật, chính sách mới của Nhà nước, phân tích, xây dựng các chiến lược kinh doanh và hệ thống kiểm soát rủi ro liên thông giữa vấn đề tài chính và các sản phẩm bất động sản. Đây là sự chuẩn bị rất cần thiết để đương đầu với sóng gió trong thời gian tới.

a6-1675454469.jpg
 

Thứ tư, Nhà nước cần nhanh chóng đưa các luật mới vào đời sống, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; phản ứng linh hoạt với thị trường, nền kinh tế bằng cách điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, loại bỏ những điều luật chưa phù hợp với thực tế; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn, sẽ làm giảm bớt hoạt động đầu cơ và giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường.

Thứ năm, Nhà nước cần có những quy định xử lý nghiêm các doanh nghiệp thẩm định giá trị bất động sản, các tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành trái phiếu và các đơn vị môi giới trung gian khác. Ngoài việc phạt hành chính, phải nghiên cứu truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm này. Đây là biện pháp răn đe giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, giải quyết luôn bài toán bất động sản và giúp thị trường chứng khoán phục hồi.

Thứ sáu, Nhà nước cần chuẩn hóa quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành, mạnh tay với các tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán và trái phiếu; cần xây dựng hệ thống đánh giá và xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp;  quy định chặt chẽ và cụ thể về tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản trả trước); quy định chặt chẽ về tỷ lệ tổng nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu; tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn;

Thứ bảy, cần phải quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để trả nợ vì điều này thể hiện doanh nghiệp đã mất khả năng thanh khoản ngay tại thời điểm phát hành; không được phát hành trái phiếu để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác; có cơ chế giám sát việc sử dụng vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu bằng cách bắt buộc phải đưa vào tài khoản chuyên biệt và giải ngân theo lộ trình, tiến độ của kế hoạch huy động vốn.

a7-1675454619.jpg
 

Thứ tám, cần xác định rõ việc phát hành trái phiếu chính là hình thức “đi vay” của doanh nghiệp. Từ đó xem việc phát hành và bán trái phiếu doanh nghiệp như khoản dư nợ tín dụng và được cập nhật vào hệ thống CIC quốc gia.

Việc coi đây là một khoản dư nợ tín dụng sẽ là cơ sở cho việc xem xét “cấp hạn mức phát hành trái phiếu”, khống chế khối lượng phát hành so với vốn chủ sở hữu và làm giảm việc phát hành trái phiếu ồ ạt dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai; làm giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Thứ chín, cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các điều luật liên quan đến chứng khoán và trái phiếu được quy định trong Bộ luật Hình sự và các luật, nghị định v.v… để làm cơ sở pháp lý, căn cứ xác định cấu thành tội phạm của một số tội phạm có liên quan đến chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng là căn cứ để xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Chính phủ đang đi rất đúng hướng thể hiện qua việc các luật và văn bản hướng dẫn luật ngày càng minh bạch và được ứng dụng một cách thực tế vào đời sống. Với sự điều hành giỏi giang, quyết đoán của Chính phủ hiện nay, tôi tin rằng, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh sau cơn đại phẫu thuật.

box-3-1675454730.jpg
 
sub-4-1675450669.jpg
 

Quốc hội đã đề ra cho năm 2023 là tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát dưới 4,5%. Theo ông, mục tiêu này có khả quan trong năm tới?

Theo tôi, việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,04% và chỉ số lạm phát dưới 4% là hoàn toàn phù hợp và có khả năng thực hiện được.

Hiện nay, theo dự báo của giới chuyên gia quốc tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nhẹ trong năm 2023 nên nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Phân tích rõ hơn về mức độ ảnh hưởng, chúng ta có thể nhìn vào các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Đầu tiên là Trung Quốc, khi nền kinh tế của đất nước này bị suy thoái thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì đây là đối tác thương mại xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tụt khoảng 2 điểm phần trăm thì Việt Nam sẽ tụt 1 điểm phần trăm. Còn nếu những nền kinh tế của các đối tác thương mại như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,… suy thoái thì sẽ khiến Việt Nam tụt 1-2 điểm phần trăm.

45-x-1675454914.jpg
 

Có thể thấy trong năm 2023, dù trường hợp xấu nhất xảy ra thì chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt. Bên cạnh đó, với những nền tảng đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, việc hoàn thành chỉ tiêu sẽ đạt được.

Còn về mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng hoàn toàn có thể hoàn thành được nhờ tốc độ giải ngân của các gói đầu tư công trong năm 2023, nguồn cung tiền ra thị trường sẽ tăng lên.

Ông có dự báo gì về những kịch bản có thể xảy ra của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

Đầu tiên, chúng ta phải nhận thấy rằng, Việt Nam là một đất nước ổn định về chính trị, kinh tế, văn hóa nên sẽ thu hút rất nhiều các nhà đầu tư. Ngoài ra, tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam đang tăng cao cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong năm 2022, ngành du lịch chưa thể phục hồi mạnh vì bị hạn chế bởi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc và tình hình chiến tranh trên thế giới. Nhưng bước sang năm 2023, Trung Quốc sẽ mở cửa, khách du lịch sẽ quay trở lại, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Việt Nam đang còn một lợi thế vượt trội hơn các quốc gia khác đó là lượng vốn kiều hối đang tăng cao. Trong năm 2022, lượng tiền kiều hối Việt Nam đạt khoảng 19 tỷ USD, đây là kênh bổ sung nguồn vốn ngoại tệ lớn, là động lực không nhỏ để nền kinh tế phát triển.

Tổng thể những tiềm năng này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2023. Dự báo nền kinh tế Việt Nam trong quý 1 và đầu quý 2/2023 vẫn sẽ khó khăn và chỉ khởi sắc bắt đầu từ cuối quý 2/2023.

a8-1675455183.jpg
 

Với sự chuẩn bị rất kỹ càng trong việc điều hành của Chính phủ, trong việc lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu, các chính sách kích cầu, trọng tâm phát triển nhà ở xã hội, chính sách giảm thuế trong lĩnh vực năng lượng,… nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ và hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

box-4-1675455254.jpg
 
tac-gia-1675450668.jpg
 
Chia sẻ:

Tin mới cập nhật

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

3 giờ trước

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

3 giờ trước

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Mục tiêu tổng doanh thu năm 2024 tăng 11%, đạt 11.653 tỷ đồng

4 giờ trước

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 26%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

6 giờ trước

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng công nghệ mới

8 giờ trước